Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn hóa hiện đại và truyền thống tạo nên những nét đặc trưng trong văn hóa của con người Nhật Bản.
- Ẩm thực:
Đồ ăn thường ngày của người Nhật Bản chủ yếu là cơm, cá, rau. Thịt ít có trong thành phần bữa ăn. Ẩm thực Nhật Bản không dùng quá nhiều gia vị mà chú trọng làm nổi bật hương vị tươi ngon, tinh khiết tự nhiên của món ăn. Hương vị món ăn Nhật thường thanh tao, nhẹ nhàng và phù hợp với thiên nhiên từng mùa. Do vị trí địa lý bốn bề bao quanh đều là biển, hải sản và rong biển chiếm phần lớn trong khẩu phần ăn của người Nhật.
Bữa ăn của người Nhật được bài trí rất đẹp mắt, nhưng cũng đơn giản và khiêm tốn. Bữa tối là bữa ăn chính, bắt đầu bằng món khai vị và một ly nhỏ rượu sake, một loại rượu gạo lên men thường uống nóng. Bữa ăn được bày trên một bàn thấp, và người ta ngồi trên những chiếc gối kê trên nền nhà được trải tatami.
Một số món ăn truyền thống của người Nhật: sashimi, sushi, tonkatsu, yakitori, misoshiru, udon, sukiyaki.
- Trà đạo truyền thống và nghệ thuật trà đạo
Ở Nhật Bản, Trà đạo được coi như một biểu tượng của tâm hồn, nó chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc về tâm hồn cũng như ý nghĩa về tinh thần đối với con người và đất nước Nhật Bản.
Người Nhật Bản cho rằng, thông qua cách uống trà và thưởng thức trà đạo co có thể phát hiện được giá trị tinh thần cần có của bản thân mỗi con người. Tinh thần của trà đạo được biết đến qua bốn chữ hòa, kính, thanh, tịch. Hòa là hòa bình, kính là tôn trọng người trên, yêu thương bè bạn, con cháu, thanh tức là thanh tịnh, thanh khiết, còn tịch là giới hạn mỹ học cao nhất của trà đạo an nhàn.
- Trang phục
Bên cạnh nét đặc sắc về trà đạo là nét đặc trưng về trang phục truyền thống Nhật Bản, đặc biệt là trang phục kimono của nữ giới. Kimono gồm một chiếc áo choàng được giữ cố định bằng một vành khăn rộng cuốn chặt vào người cùng với một số dây đai và dây buộc tóc, ống tay áo rộng và dài thùng thình. Ngày nay, kimono thường chỉ được sử dụng vào các dịp lễ tết. Phụ nữ Nhật mặc kimono phổ biến hơn nam giới, thường có màu và hoa văn nổi bật. Phái nam dùng kimono chủ yếu trong lễ cưới và buổi lễ trà đạo, và kimono dành cho nam giới thường không có hoa văn, và màu tối hơn.